Thứ năm , Tháng mười hai 12 2024

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đối thoại với Giáo sư Yoshua Bengio về AI

Ngày 5/12, đông đảo người FPT nói riêng và giới công nghệ nói chung đã cùng hướng về FPT Tower – nơi diễn ra cuộc đối thoại “nóng” giữa Người đứng đầu FPT và người được mệnh danh là “Bố già” AI của thế giới. Với chủ đề “AI an toàn – Định hình đổi mới có trách nhiệm”, Chủ tịch Trương Gia Bình và Giáo sư Yoshua Bengio, nhà sáng lập Viện nghiên cứu AI Mila đã mang đến Hội thảo những góc nhìn đa chiều về một xu hướng công nghệ đang nhận được sự quan tâm của toàn thế giới.

Thông qua những đánh giá, nhận định sắc bén, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và “Quái kiệt AI” Yoshua Bengio đã chỉ ra những rủi ro, thách thức cũng như cơ hội của AI trong tương lai. Đồng thời khẳng định sức ảnh hưởng “khủng khiếp” của nó với toàn thế giới.

Cuộc đối thoại giữa Chủ tịch FPT và Giáo sư Yoshua Bengio đã mở ra nhiều đánh giá sắc bén về sự tác động của AI đối với thế giới nói chung. Ảnh: Trần Huấn

Khai màn Hội thảo, Chủ tịch FPT đầy tự hào khi giới thiệu, những ngôi sao sáng nhất của trí tuệ nhân tạo, ông tổ của AI đều đang hiện diện tại chương trình. Anh cho rằng những người tham dự sự kiện này thực sự là những người may mắn khi có được cơ hội gặp gỡ và học hỏi trực tiếp từ “ông tổ” – người đặt nền móng cho sự phát triển AI của thế giới – Giáo sư Yoshua Bengio. Người đứng đầu FPT cao hứng bộc bạch: “Tôi may mắn được học từ những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực của mình. Toạ độ bay của các bạn rất phụ thuộc về thầy của các bạn là ai.”

Bên cạnh những chia sẻ đắt giá đến từ hai nhà lãnh đạo, hội thảo cũng chứng kiến sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là lễ ra mắt Ủy ban Đạo đức AI trực thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA).

Cần gắn “đạo đức” cho AI

Để “vào đề” cho cuộc đối thoại, Chủ tịch FPT tiết lộ, Giáo sư Yoshua và anh đang quan tâm đến vấn đề an toàn và đạo đức trong AI. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về vấn đề này và nhận thấy rất nhiều mối quan ngại nghiêm trọng.

Đầu tiên, cần phải lan tỏa nhận thức cho số đông để có cái nhìn đúng đắn khi đối mặt với AI. Thứ hai là câu hỏi: Ai là người tạo ra AI? Những người ấy phải có trách nhiệm và cam kết tuân thủ các quy định, không chỉ là những quy định đã được thiết lập ở đây mà còn phải cam kết từ trái tim.

Theo anh Bình, đó cũng là mục tiêu và ý nghĩa của việc thành lập Ủy ban Đạo đức AI.

Lễ ra mắt Ủy ban Đạo đức AI trực thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA)

Nói về rủi ro của AI, Giáo sư Yoshua Bengio cho biết, với các thước đo mới, dù máy tính chưa vượt qua con người, nhưng xu hướng đang dần nghiêng về một hướng đáng lo ngại. Ông cũng chia sẻ và chỉ ra thực tiễn những rủi ro gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân loại nếu sử dụng AI cho những mục đích xấu trong lĩnh vực y tế hay quốc phòng, quân sự.

“Bố già” khẳng định: “AI đang bùng nổ, năng lực AI đã vượt qua khả năng của con người, đặc biệt trong việc làm chủ ngôn ngữ và xử lý dữ liệu. Tuy nhiên, sự tiến bộ nhanh chóng này đặt ra câu hỏi đáng lo ngại về khả năng kiểm soát những hệ thống AI thông minh hơn con người. Việc hiểu rõ và hành động đúng đắn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là yếu tố sống còn đối với tương lai nhân loại”.

Giáo sư cũng cho rằng, AI cần được xây dựng như công cụ phục vụ con người, không phải như những “tác nhân” có khả năng tự đặt ra mục tiêu và hành động để đạt được mục tiêu đó. Vì vậy, không nên thiết kế “bản năng sinh tồn” cho các hệ thống AI. Cụ thể là giống con người, có cảm xúc, ngoại hình và thậm chí cả ý thức, quyền tự quyết, vì trí thông minh của chúng có thể nhanh chóng vượt qua con người và có thể trở thành những AI lừa đảo, thúc đẩy những lợi ích, mục tiêu không hoàn toàn vì hạnh phúc của nhân loại.

AI không thể thay thế con người

Trước nỗi lo lắng về sự bùng nổ mạnh mẽ của AI sẽ gây ra làn sóng mất việc làm, Chủ tịch FPT cho rằng, người trẻ đang phải đối mặt với sự lựa chọn lớn, nhiều người lo lắng và e ngại AI sẽ thay thế công việc của họ. Tuy nhiên, trước khi có AI, chúng ta vẫn có thể sản xuất mọi thứ: từ quần áo, thực phẩm,… mà không cần đến chúng. Trong tương lai, những công việc cũ có thể sẽ biến mất, nhưng những công việc mới sẽ mở ra những cơ hội và tiềm năng lớn lao.

Anh Trương Gia Bình cho rằng, khi công việc cũ biến mất, sẽ có những công việc mới được mở ra. Ảnh: Trần Huấn

Để tạo ra sự khác biệt đó, cần phải làm chủ AI, hiểu cách thức hoạt động của nó và thích nghi với những thay đổi mới. Vì vậy, kỹ năng về AI và hiểu biết về công nghệ thông tin sẽ là yếu tố quyết định đối với những ai sở hữu những kỹ năng này, họ sẽ có công việc trong tương lai.

Đồng tình với Chủ tịch FPT, Giáo sư Bengio nhận định, nếu nhìn lại, AI hiện nay vẫn chưa mạnh, đặc biệt ở những công đoạn đòi hỏi tư duy chiến lược, nghiên cứu và rõ ràng không thể thay thế con người trong những tương tác xã hội. Những lĩnh vực ứng dụng phức tạp, có yếu tố xã hội và ảnh hưởng đến con người… sẽ vẫn là lĩnh vực do con người đảm nhận chủ yếu. AI sẽ hỗ trợ trong việc thiết kế công nghệ, nhưng điều đó khác biệt hoàn toàn so với việc hiểu và xử lý bối cảnh xã hội mà công nghệ được áp dụng.

Giáo sư Bengio nhận định, AI hiện nay vẫn chưa mạnh ở những công đoạn đòi hỏi tư duy chiến lược, nghiên cứu và rõ ràng không thể thay thế con người trong những tương tác xã hội. Ảnh: Trần Huấn

Mối nguy hiểm lớn nhất của tự động hóa chính là chúng ta không thể đoán trước được điều gì sẽ bị thay thế. Nếu một người chỉ chuyên môn hóa vào một lĩnh vực hẹp và lĩnh vực đó bị tự động hóa, họ sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, nếu họ có một nền tảng hiểu biết rộng, việc chuyển hướng nghề nghiệp sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Chính vì vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, chúng ta cần chú trọng đến một nền giáo dục tổng quát. Cần phải giáo dục các nhà khoa học máy tính và kỹ sư không chỉ về công nghệ mà còn về các môn nhân văn: khoa học xã hội, đạo đức, triết học, và cả luật pháp, để họ hiểu được cách xã hội vận hành.

Trách nhiệm của giáo dục

Đứng trước xu hướng phát triển của AI, hai nhà lãnh đạo cho rằng điều cấp thiết nhất là cần phát triển và đầu tư về giáo dục. . Giáo sư Bengio nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đa ngành: “Chúng ta cần trang bị cho các kỹ sư và nhà khoa học máy tính không chỉ kiến thức công nghệ mà còn về khoa học xã hội, đạo đức, triết học và luật pháp”. Điều này sẽ giúp họ hiểu rõ tác động xã hội của các quyết định phát triển AI. Từ đó, một phương pháp làm việc mới sẽ được ra đời: sự hợp tác giữa con người và AI.

Khoảnh khắc thân thiện, gần gũi giữa 2 nhà lãnh đạo. Ảnh: Trần Huấn

Với tầm nhìn về một Việt Nam mạnh mẽ hơn, Chủ tịch FPT khẳng định: “Tôi sẽ tạo ra những giáo viên AI. Nhưng điều đó chưa đủ thú vị. Chúng ta sẽ giúp việc học và giảng dạy có nhiều tương tác hơn, AI sẽ hỏi học sinh, học sinh sẽ hỏi AI. Và sau đó, mọi người sẽ học cách xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ”.

Giáo sư Bengio nhấn mạnh, sẽ cần thêm rất nhiều nhân tài, để hiểu những gì chúng ta đang làm với AI, hiểu cách chúng ta phát triển nó vì lợi ích của nhân loại, và cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Nguồn : https://chungta.vn/kinh-doanh/chu-tich-fpt-doi-thoai-bo-gia-ai-co-suc-manh-khung-khiep-nhung-ai-khong-the-thay-the-con-nguoi-1139379.html

Tham khảo chính sách khuyến mại dịch vụ trên toàn quốc :

Miền Bắc Miền Trung Miền Nam

Cảm ơn quý khách hàng đã ghé thăm website !

Thảo luận